Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Mâu thuẫn của cờ đỏ Vol 1

Khi chứng minh cho sự đúng đắn của học thuyết Mác – Lê, các bạn cờ đỏ thường dẫn ra những thành tựu 1 thời về khoa học kỹ thuật của Liên xô, mà không biết rằng những thành tựu đó chỉ có dưới thời Stalin, chứ dưới thời Lê-nin chưa hề có.

Chính vì không biết, nên khi chứng minh cho sự sụp đổ của Liên xô, các bạn ấy lại nói do Stalin phá Mác, và phá Mác triệt để nên đã góp phần khiến Liên xô sụp.

Các bạn ấy không biết, nếu Stalin không phá Mác, không xây dựng Liên xô theo 1 con đường khác, thì Liên xô chưa chắc đã có những thành tựu khoa học kỹ thuật đó, tức chưa chắc đã trở thành siêu cường.

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Một số nhầm lẫn của Mác

Mác là một triết gia lớn, được nhiều người đánh giá rất thông minh, có đạo đức tốt, rất yêu mến giai cấp vô sản, suốt đời phấn đấu cho tự do và giải phóng vô sản. Mác là con người tuyệt vời được hàng tỷ người ngưỡng mộ. Những kết luận do Mác đưa ra đã trở thành lý luận cách mạng của nhiều đảng cộng sản và những đồ đệ của Mác cho rằng đó là những điều duy nhất đúng, còn cái gì ngược lại là sai, là phản động. Hàng tỷ người, trong đó có nhiều người thông minh, ưu tú, trong thời gian dài đã tin vào điều đó, ca ngợi điều đó.

Người ta tin, rất tin vào Mác vì động cơ rất tốt đẹp của ông, vì sự chứng minh, sự suy luận có hình thức bên ngoài chặt chẽ, vì lý thuyết của Mác phù hợp với lòng mong ước của số đông. Lý thuyết đó đã thắng lợi lớn ở một số nước, nhưng rồi Liên xô và Đông Âu sụp đổ, Trung Quốc đưa ra thuyết ba đại diện mà thực chất là không còn theo Mác một cách tuyệt đối. Tại sao lại như vậy? Phải chăng trong lý thuyết của Mác có cái gì đó không đúng, phải chăng Mác có nhầm lẫn điều gì?

Năm 1922, trong bài giảng về “Chủ nghĩa tam dân”, Tôn Trung Sơn nhận xét như sau: Mác là người rất giỏi và có đạo đức tốt, chỉ tiếc rằng luận thuyết đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội loài người của ông là một sai lầm nghiêm trọng.

Tôi không phải người nghiên cứu triết học và sử học, càng không phải người hoạt động chính trị nên không có những nghiên cứu sâu về Mác. Thời trẻ tôi học và thi các học thuyết của Mác đạt điểm khá cao, rất tin vào các học thuyết đó, nguyện suốt đời phấn đấu theo các học thuyết đó. Lớn lên tôi thấy một số điều trong thực tế cách mạng không giống như lý thuyết, về già tôi ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm thực tế, xem một số tài liệu viết về chủ nghĩa Mác mới cảm nhận thấy Mác có thể đã nhầm một cái gì đó. Tôi chỉ viết ra những cảm nhận để trao đổi với bạn bè chứ không phải công bố một tài liệu nghiên cứu khoa học. Mà đã là cảm nhận thì không cần chứng minh.

Theo tôi Mác đã có nhầm lẫn.

Tiếc rằng những nhầm lẫn đó là do lòng tốt của ông tạo ra, nó được ẩn dấu rất kín đáo và ngấm ngầm tạo ra hạt giống độc hại.

Khi tuyên truyền, khi tiếp xúc với chủ nghĩa Mác người ta chỉ chú ý đến, chỉ thấy, chỉ nói về những mặt tốt đẹp của nó mà chưa thấy được hạt giống độc hại còn ẩn dấu rất kín. Chưa thấy được vì quá tin, quá yêu, quá tôn sùng hoặc vì trình độ chưa đủ, chưa có con mắt và trí tuệ thật tinh tường. Những hạt giống này chỉ có thể nẩy mầm khi có điều kiện thuận lợi, đó là khi đảng cộng sản đã chiếm được độc quyền lãnh đạo xã hội và thi hành sự toàn trị. Nếu chưa có điều kiện thuận lợi thì hạt giống đó cứ nằm yên, được giấu kín, nhiều người không thể biết, chỉ có một số rất ít người, nhờ điều kiện khách quan thuận lợi hoặc nhờ có linh tính cao mới biết được (ví dụ như Tôn Trung Sơn, Gandhi, Bertrand Russell, Mandela, v.v.). Khi hạt đã nảy mầm, thành cây, có cành lá, hoa quả thì mọi người mới thấy.

Tôi cũng vừa mới thấy trong thời gian gần đây thôi!

Khi hoa lá tiết ra chất độc làm hủy hoại môi trường người ta mới đi tìm nguyên nhân. Nhưng phần lớn chỉ thấy nguyên nhân ở hoa lá mà không thể, không muốn hoặc không dám tìm đến gốc rễ, đến hạt giống. Người ta đổ lỗi cho môi trường, cho hoàn cảnh mà không dám đụng đến bản chất là hạt giống.

Tôi tạm dừng lại một chút để kể hai câu chuyện.

1- Chuyện của anh Ngữ, giảng viên của trường Đại học Xây dựng. Ngữ sinh ra khỏe mạnh, thông minh, học giỏi từ phổ thông đến đại học, được giữ lại làm giảng viên. Anh là một giảng viên có nhiều năng lực, được tập thể tin cậy, đánh giá cao và đặt nhiều hy vọng. Anh rất tự tin vào thể trạng và trí tuệ của mình, thường than phiền về người anh ruột hơi bị tâm thần. Thế nhưng, đùng một cái, Ngữ phát bệnh tâm thần, chữa trị một thời gian không khỏi và qua đời. Nhiều người tiếc thương cho một tài năng, đổ lỗi cho môi trường đã gây ra bệnh, họ có biết đâu mầm bệnh đã được nằm sẵn ở gen từ trong bào thai, chẳng qua mấy chục năm trời nó được giấu kín mà thôi, nó chỉ phát bệnh khi đã tích lũy được năng lượng cần thiết, gặp được điều kiện phù hợp.

2- Chuyện Tề Hoàn Công. Là một ông vua khỏe mạnh, giỏi giang, làm bá chủ, ông rất tự tin vào năng lực, uy tín và sức khỏe của mình. Một hôm Tần Hoãn vào chầu, thưa với Tề Hoàn là vua đang có bệnh. Tần Hoãn là một thầy thuốc nhờ có Tiên giúp mà có khả năng chỉ nhìn người mà biết bệnh. Vua không nghe, tin rằng mình khỏe mạnh, chẳng có bệnh gì. Một thời gian sau Tần Hoãn lại tâu là mầm bệnh đã phát triển, vua vẫn gạt đi vì không những tự tin mà còn tin vào lời tâu của các quan, các thái y trong triều là vua vẫn mạnh khỏe. Sau thời gian nữa Tần hoãn lại nài nỉ xin vua cho chữa bệnh thì bị đuổi đi. Đến khi vua phát bệnh nặng cho tìm Tần Hoãn thì ông đã bỏ trốn. Sau khi bị tìm được, bắt về chữa bệnh thì Tần Hoãn thưa: Ban đầu bệnh của Hoàng thượng mới là mầm mống, có thể uống thuốc để chữa. Tiếp đến, bệnh phát triển vào máu, có thể dùng châm cứu để chữa, nhưng vì không chữa nên để nặng thêm. Đến khi bệnh phát ra da, tuy nặng rồi nhưng trong uống, ngoài xoa vẫn còn có thể chữa. Còn đến bây giờ bệnh đã vào đến tủy thì hạ thần đành chịu bó tay. Tề Hoàn Công và thân tín của ông trong thời gian dài không dám nói là ông có bệnh, chỉ có một người biết và dám nói thì bị đuổi đi.

Mầm bệnh của chủ nghĩa Mác cũng giống như của hai người vừa kể, nó đã tồn tại rất lâu, ngay từ lúc chủ nghĩa mới hình thành, ngay cả lúc chủ nghĩa tỏa hào quang rực rỡ, làm say đắm hàng triệu chiến sỹ cách mạng. Hình như một lúc nào đó Mác cũng cảm nhận được là nếu không khéo thì sau khi cách mạng thành công sẽ phát sinh những bệnh không mong muốn. Nhưng Mác, vì bị lòng tốt và tình cảm với giai cấp vô sản chi phối mà đã tin rằng bệnh có thể được ngăn ngừa. Mác tưởng rằng những người theo học thuyết của ông để làm cách mạng đều có được nhận thức và đạo đức như ông. Nếu quả như thế thì đó là một nhầm lẫn lớn!

Nhiều học thuyết về xã hội, về triết học thường bắt đầu bằng việc đánh giá con người (nhân chi sơ tính bổn thiện hoặc là tính bổn ác). Mác cũng đánh giá: “Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Mác thấy con người của xã hội tư hữu có nhiều đức tính xấu xa, tham lam, ích kỷ, không dung hòa được mâu thuẩn giữa quyền lợi cá nhân và cộng đồng, là cá lớn nuốt cá bé, v.v. Mác thấy giai cấp vô sản không những đáng thương vì bị bóc lột mà còn đáng yêu, đáng tin, đáng kính trọng vì họ đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau, sẵn sàng hy sinh vì quyền lợi giai cấp. Mác bị ảnh hưởng nhiều bởi học thuyết Đac–uyn, cho rằng môi trường, hoàn cảnh có ảnh hưởng quyết định đến sự tiến hóa của muôn loài. Mác tin chắc thói xấu của con người là do tư hữu sinh ra. Khi làm được cách mạng vô sản, đưa người vô sản lên cầm quyền để quản lý xã hội, xóa bỏ tư hữu, thiết lập nền công hữu thì giai cấp vô sản dễ dàng xử lý mâu thuẩn giữa quyền lợi cá nhân và cộng đồng, xóa bỏ thói tham lam ích kỷ, mọi người sẽ đoàn kết, thương yêu nhau, làm việc tự giác, đối xử công bằng.

Mác đã nhận thức nhầm về bản chất con người, đánh giá quá cao những đức tính của giai cấp vô sản. Điều này cũng do vận dụng học thuyết duy vật của ông. Ông cho rằng vật chất có trước và quyết định ý thức, ông phủ định phần tâm linh nơi con người, ông không biết rằng tính tham lam, ích kỷ đã được hình thành từ trong bào thai, là một phần thuộc tiên thiên, hoàn cảnh xã hội chỉ làm tăng thêm hoặc giảm bớt mà thôi. Ông không biết rằng một con người khi còn là vô sản có nhiều đức tính tốt vì hạt giống xấu chưa có điều kiện nẩy mầm, nhưng khi đã trở thàmh người có quyền, mà lại là độc quyền thì các hạt giống tốt sẽ thui chột đi, nhường miếng đất màu mỡ cho các hạt giống tư lợi, độc đoán phát triển.

Khi quan sát sự nghèo đói của vô sản, Mác quá đề cao nguyên nhân không có tư liệu sản xuất mà coi nhẹ một nguyên nhân khác cũng vô cùng quan trọng, đó là những người nghèo đói nhất trong giai cấp vô sản thường là do ngu dốt, lười biếng.

Mác quá tin, quá đề cao vai trò của vô sản nên đã suy đoán rồi rút ra kết luận là cách mạng vô sản là tất yếu. Đã hơn 150 năm kể từ khi Mác công bố Tuyên ngôn của các đảng cộng sản, lời dự đoán về cách mạng vô sản đã không được kiểm chứng.

Mác là người tạo ra tiên đề để Lênin rút ra kết luận tất yếu phải thiết lập chuyên chính vô sản, cho rằng chính quyền nhà nước là của giai cấp này nhằm thống trị giai cấp khác đối lập. Đó là những kết luận rất sai lầm, nó tạo ra sự độc quyền, chuyên chế, đàn áp những tư tưởng và xu hướng khác biệt. Nhà nước của giai cấp theo Lênin có lẽ chỉ xảy ra dưới thời phong kiến và cộng sản, còn bình thường thì nhà nước là cơ quan quản lý xã hội, nhằm dung hòa quyền lợi và nghĩa vụ giữa các tầng lớp. Lý luận về đấu tranh giai cấp, về chuyên chính vô sản, về công hữu hóa tư liệu sản xuất do Mác và Lênin vạch ra đã được những người kế tiếp như Stalin, Mao Trạch Đông phát triển thành những thảm họa như cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, cách mạng văn hóa, đàn áp những xu hướng tư tưởng và xã hội khác biệt.

Trong khi đảng cộng sản thắng lợi ở một số nước nông nghiệp nghèo như Nga, Trung Quốc, Việt Nam thì ở nhiều nước tư bản phát triển, các đảng xã hội đi ngược lại với Mác, chủ trương không làm cách mạng vô sản mà tiến hành cải cách xã hội theo phương hướng dung hòa quyền lợi. Họ đã tạo nên xã hội tốt đẹp, phát triển như các nước Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan, Đức, Anh, Thụy Sĩ, v.v.

Mác đã rất tin vào thắng lợi tất yếu và rất tốt đẹp của cách mạng vô sản mà không thấy hết sự phá hoại nhiều thứ do cuộc cách mạng đó mang lại. Mác đã rất đơn giản khi tin và cố chứng minh rằng trong xã hội do vô sản lãnh đạo với sự công hữu tư liệu sản xuất thì mọi thứ đều phát triển tốt đẹp. Mác rất nhầm khi cho rằng giai cấp công nhân là đại diện cho nền sản xuất hiện đại, đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến. Mác đã không dự đoán được rằng một số không nhỏ những người, mới hôm qua, lúc đang vận động làm cách mạng thì tỏ ra rất tốt, rất ưu tú, nhưng hôm nay, khi đã nắm quyền lực thì trở nên tư lợi, độc đoán, họ lại đi theo vết xe của bọn thống trị đã bị họ lật đổ trước đó. Điều ấy là nằm trong bản chất của số đông con người chứ không phải thuộc bản chất giai cấp.

Tôi nhớ ở đâu đó Mác có viết là độc quyền sẽ dẫn đến thoái hóa, điều đó là đúng cho mọi lĩnh vực, thế nhưng người ta lại chỉ vận dụng cho kinh tế tư bản, còn đối với chính trị cộng sản và kinh tế quốc doanh thì người ta lại cố bảo vệ sự độc quyền.

Khi phân tích sự sụp đổ của Liên xô, nhiều người chỉ ra 2 nguyên nhân cơ bản là sự thiếu dân chủ trong đảng cộng sản cầm quyền, là cán bộ cấp cao chưa thực sự giác ngộ về giai cấp, thiếu rèn luyện nên thoái hóa, biến chất. Khi phân tích những tiêu cực, những tệ hại của xã hội VN hiện nay người ta cũng cho rằng nguyên nhân cơ bản là một số đông đảo cán bộ các cấp, các ngành thoái hóa, biến chất, không giữ được đạo đức cách mạng. Tôi nghĩ rằng những nguyên nhân đó chỉ là lá, là ngọn, dễ thấy, còn có nguyên nhân của nguyên nhân, là thân, là gốc được ẩn dấu trong đất sâu mà người ta không thấy hoặc thấy mà không dám đụng tới, không dám đào bới.

Thử hỏi một đảng cộng sản hùng mạnh như của Liên xô, của VN, điều lệ viết rõ ràng về quyền dân chủ, về phê bình và tự phê bình, về nghĩa vụ tu dưỡng đạo đức, mỗi lần đại hội đều nêu cao khẩu hiệu chọn người đủ đức, đủ tài vào cấp ủy, thế thì cái gì sinh ra và dung dưỡng cái bọn mất dân chủ, cái bọn thoái hóa ấy? Tôi đoán rằng chúng được sinh ra từ hạt giống đã được gieo từ trước, đã được dấu kín trong một thời gian từ trong bản chất của học thuyết. Đó là hạt giống chuyên chính, hạt giống độc quyền. Hạt giống này do Mác và Lênin do vô tình hoặc cố ý đã gieo vào học thuyết chuyên chính vô sản, nó cứ nằm im, nằm im mãi, chờ cho đến khi đảng cộng sản nắm được quyền lực thống trị thì mới nẩy mầm và phát triển.

Có một câu châm ngôn từ xưa như sau: “muốn biết đạo đức một người như thế nào hãy trao cho quyền lực và xem họ sử dụng quyền ấy như thế nào”. Ngày nay có thể suy ra, muốn biết thực chất một đảng như thế nào, hãy xem họ sử dụng quyền lực ra sao. Còn việc nói cho hay, tuyên truyền cho giỏi để lừa nhân dân thì tầng lớp thống trị nào cũng nói được rất tốt, kể cả Napoléon, Hitler, Nhật hoàng phát xít, Pol Pot…

Trong tác phẩm Karl Marx, Peter Singer viết “Quan niệm của Mác về bản tính con người là sai lầm, nó không dễ thay đổi như ông tưởng”. Peter còn nhận xét “chúng ta có những bằng chứng mà Mác không có” do đó chúng ta phát hiện ra sai lầm của Mác. Trong tác phẩm Giai cấp mới, Milovan Djilas vạch ra tính tất yếu của việc “toàn trị của một giai cấp mới, đó là các đảng cộng sản cầm quyền”.

Nguyễn Ái Quốc đưa chủ nghĩa Mác – Lênin vào VN với mong muốn vận dụng để lãnh đạo nhân dân đánh đuổi thực dân, giành độc lập, làm cách mạng dân tộc phản đế. Ông cũng nhận thấy chuyên chính vô sản có thể gây ra những bệnh tật không mong muốn nên đã sớm viết tài liệu “Sửa đổi lề lối làm việc” để huấn luyện đảng viên, cán bộ nhằm ngăn ngừa các thói hư tật xấu từ độc quyền đến mất dân chủ, từ độc quyền đến thoái hóa, biến chất, tham ô, lãng phí. Thế nhưng ông đã phải chấp nhận lý thuyết đấu tranh giai cấp mà làm luôn cách mạng dân chủ phản phong, cách mạng vô sản xây dựng XHCN. Ông đã rất muốn ngăn ngừa sự thoái hóa biến chất nhưng rồi không thể nào ngăn được vì nó đã có sẵn trong chủ thuyết.

Chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam mang theo sự chuyên chính, sự độc quyền của đảng cộng sản, làm phát sinh một giai cấp mới với đặc quyền đặc lợi, với sự độc đoán và tham nhũng, làm chậm lại sự phát triển của đất nước. Trong tình hình của thế giới hiện nay nhiều điều cơ bản của chủ nghĩa Mác tỏ ra không còn đúng.

Trong phương châm phát triển đất nước, trong dự thảo hiến pháp vẫn nêu quyết tâm kiên trì chủ nghĩa Mác – Lê nin, kết hợp tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong một hội thảo khoa học của Hội Cựu giáo chức tôi có liều mạng phát biểu là để bảo vệ sự đúng đắn và trong sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh thì nên tách tư tưởng đó ra khỏi chủ nghĩa Mác, và để phát triển đất nước trong giai đoạn mới thì nên từ bỏ chủ nghĩa Mác. Lời phát biểu ấy đã bị một số người lên án một cách thầm lặng hoặc công khai, nhưng cũng được nhiều người tỏ ra tán thành một cách dè dặt.

Tác giả: GS - TS Nguyễn Đình Cống.

Bóng đá thế giới dưới thời CNXH

1/ Từ khái niệm “dân trí” sẽ cho ra 1 khái niệm mới, gọi là “cầu thủ trí”. Theo học thuyết Mác – Lê, có thể nói, khi có CNXH, cầu thủ trí sẽ ở mức rất cao. Trên sân, các cầu thủ hoàn toàn chơi bóng với niềm đam mê và sự cống hiến. Sẽ không còn cảnh cầu thủ chửi thề, thóa mạ, ẩu đả, vào bóng ác ý, có ý đồ triệt hạ… v.v… lẫn nhau. Khi 1 cầu thủ phạm lỗi, tất nhiên là ngoài ý muốn, sẽ tự động xin lỗi, tự động đem bóng lại, đặt đúng vị trí phạm lỗi cho đối phương đá phạt. Khi 1 cầu thủ phạm lỗi ngoài ý muốn và nguy hiểm, đáng phải nhận thẻ vàng lần thứ nhất, sẽ tự động ghi nhớ lấy, nếu tiếp tục phạm lỗi nguy hiểm và phải nhận thẻ vàng lần thứ 2, sẽ tự động rời sân, không đợi trọng tài phải đuổi.

2/ Vai trò của trọng tài được giảm xuống tới mức tối thiểu. Trong túi trọng tài chính sẽ không còn 2 loại thẻ vàng và đỏ. Đồng thời thay vì chạy thì chỉ còn đi bộ trên sân với 2 công việc là thổi còi khi trọng tài biên báo việt vị, và thổi còi khi đã hết giờ thi đấu. Trọng tài biên chỉ còn duy nhất việc chạy dọc biên phất cờ báo mỗi lần có cầu thủ việt vị. Cùng với đó là mỗi lần hết trận, liên đoàn bóng đá các nước cũng không cần phải họp để mổ xẻ các đoạn băng ghi hình nhằm phân tích lỗi cầu thủ và trọng tài nhằm đưa ra các án phạt nữa.

3/ Vì thi đấu trên tinh thần thể thao lành mạnh, lợi nhuận là thứ yếu, và ganh đua là xấu xa. Thế nên sẽ không còn World Cup, không còn Champions League, không còn các giải đấu ngoại hạng, hạng nhất, hạng nhì… v.v… Không còn các CLB lớn, các CLB bé, không còn cái cảnh các CLB tốn hàng đống tiền cho việc mua và trả lương cho HLV và các cầu thủ. Real, MU, Chelsea, Bayern, Juve, AC… v.v… ở châu Âu xa xôi cùng với Hoàng Anh Gia Lai, Gạch Đồng Tâm Long An, Hòa Phát… v.v… ở Việt Nam hoàn toàn bằng vai, chung mâm và có thể thi đấu với nhau.

4/ Do các CLB không còn lớn bé, thế nên cũng không còn fans CLB này, CLB kia, không còn cảnh các fans gây gổ, chửi bới, đấm đá, xô đẩy, nhổ nước bọt… v.v… vào mặt nhau. Tất cả đều là fans của tất cả các đội bóng trên thế giới. Mỗi lần đến sân sẽ cổ vũ đồng thời cho cả 2 đội bóng, tất cả họ đều vô cùng văn hóa, vui vẻ, hòa nhã, tương thân tương ái trong thế giới đại đồng.

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

(Nhặt sạn trong học thuyết Marx Vol 2) Về bài toán sản xuất và bóc lột giá trị thặng dư của Marx











































5 tấm hình trên là sách của mình, do chính tay mình chụp lại.

Từ bài toán sản xuất giá trị thặng dư của Marx, suy nghĩ của mình như sau:

1/ Marx cho rằng 6$ đó hoàn toàn là của công nhân, và họ phải được nhận về đủ 6$. Như vậy Marx không xem tư bản có công, không xem tư bản có phần trong 6$ đó. Khi mà trước đó tư bản đã phải suy nghĩ sản xuất cái gì, (tại sao là sợi mà không phải là gì khác). Sản xuất cho ai? Sản xuất thế nào (huy động vốn, xây dựng nhà máy, tuyển công nhân, sản xuất bao nhiêu sợi, liên hệ bao nhiêu đại lý, tung sợi ra thị trường thời điểm nào phù hợp… v.v…). Sau đó còn là cải tiến sản xuất, hạ giá thành để đứng vững trước sức ép cạnh tranh, bảo vệ nhà máy trước các thủ đoạn của các nhà tư bản khác… v.v… Marx đã xem mọi thứ tư bản đóng góp tựa trên trời rơi xuống, công nhân sinh ra là có việc, không phải suy nghĩ gì, hàng ngày chỉ đến nhà máy, làm bao nhiêu cầm về bấy nhiêu, tư bản mà giữ lại 1 xu thì cũng là bóc lột.

2/ Tư bản có đóng góp trước, trong và cả sau quá trình sản xuất. Còn công nhân đóng góp trong quá trình sản xuất, và toàn bộ công sức của tư bản + công nhân cộng lại mới là 6$. Tức 6$ đó phải được chia ra theo 1 tỉ lệ nào đó, ở đây là 50/50. Mình không khẳng định cách chia này là hợp lý hay không, nhưng mình chắc chắn là phải được chia. Nếu công nhân cầm về cả 6$ thì chính công nhân mới là bóc lột ngược lại tư bản. Và khi tư bản không trả đủ 6$, bèn tụ tập nhau nổi dậy làm cách mạng vô sản, lật đổ tư bản, cướp TLSX về tay mình thì đích thị đó là hành động vô lý của bọn cướp.

3/ Từ 1/ và 2/ ta thấy "Giá trị thặng dư", tức số tiền dôi ra và bị nhà tư bản chiếm không, là 1 sản phẩm tưởng tượng của Marx, không có ý nghĩa trong thực tế.

Bonus: Sẽ thật tốt, nếu bạn là chủ tư bản, bạn tạo dựng và chống đỡ với mọi thứ, còn mình hàng ngày chỉ việc đến bóc lột bạn bằng cách sử dụng TLSX của bạn, làm được bao nhiêu cầm về hết bấy nhiêu, cả phần của mình và phần của bạn.

Tóm lại, lý thuyết bóc lột, 1 trong những nền tảng của Tư bản luận của Marx là sai.

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

XIN CHỚ NHẦM LẪN (bình luận ý tưởng)

Có những ý tưởng, những câu nói, câu hát mới nghe qua thấy rất đúng, rất hay, nhưng càng nghĩ sâu càng thấy vô lý vì đã ẩn dầu một nhầm lẫn nào đó. Xin bình luận vài câu như vậy.

Câu 1: “Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác”. Câu này được nhiều người ca ngợi và trích dẫn. Tôi đoán ý muốn sâu sắc của tác giả là khuyên mọi người “cái gì đã thuộc quá khứ thì nên cho qua, không nên phê phán quá khứ, như thế là khôn ngoan, là công bằng”, tuy vậy cách diễn đạt của tác giả, nếu phân tích kỹ thì có chỗ nhầm. Hãy đặt câu hỏi: theo tác giả thì TƯƠNG LAI khôn hơn, công bằng hơn bạn hay ngu hơn, đểu cáng hơn. Nếu tương lai ngu hơn, đểu hơn thì kể nó ra mà làm gì. Nếu hiện tại đã ngu mà bắn súng lục thì cái đứa bắn bằng đại bác phải ngu hơn. Mà chắc là tác giả cho rằng tương lai thì phải khôn hơn, công bằng hơn. Nếu vậy thì thì hãy suy luận tiếp. Giả thử bạn đang ở thế kỷ 20, bạn bắn vào quá khứ là thế kỷ thứ 19 bằng súng lục, thì thế kỷ 21 (tương lai), vì khôn hơn, giỏi hơn, sẽ bắn vào bạn bằng đại bác. Tiếp tục, vì thế kỷ 21 bắn vào quá khứ bằng đại bác nên thế kỷ thứ 22 sẽ bắn vào 21 bẳng tên lửa, thế kỷ 23 thả bom tấn vào 22, thế kỷ 24 thả bom nguyên tử vào 23… Nói (viết) ra câu trên chắc tác giả không nghĩ tới tương lai rồi cũng trở thành hiện tại và quá khứ, sẽ có tương lai của tương lai, chỉ nói cho qua chuyện. Người nghe vì quá tôn sùng người nói và cũng ngại suy nghĩ nên nhắc lại mà không dám nghi ngờ, không dám phê phán.

Nói ví von có cái hay, nhưng cũng nên ví von cho chặt chẽ.

Câu 2: “Xin đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta mà hãy tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc”. Câu này có một tác dụng động viên rất lớn, có giá trị giáo dục rất cao, đặc biệt là đối với Thanh niên. Tuy vậy suy nghĩ sâu thấy rằng chỉ có đoạn sau là đúng, còn đoạn đầu (hỏi Tổ Quốc đã làm gì) là vô nghĩa. Tổ quốc hay Đất nước là một khái niêm trừu tượng. Đất nước tồn tại trên thực tế, Tổ quốc tồn tại trong lòng mọi người nhưng Tổ quốc không làm gì cả. Không phải Tổ quốc không làm gì cho bạn mà không làm gì cả, không thể làm gì cả, không cần làm gì cả cho tất cả mọi người. Bạn yêu Tổ quốc, bạn xót xa vì Đất nước bị dày xéo, bị lạc hậu, bạn muốn làm một cái gì đó cho Tổ quốc, cho Đất nước là do bạn được giác ngộ bởi một nguồn tinh thần nào đó. Nếu bạn cần hoặc muốn ai đó làm gì cho bạn thì đó là những người thân, người có quan hệ, người đại diện cho tổ chức hoặc chính quền, chứ không phải Đất nước, không phải Tổ quốc. Điều nhầm lẫn ở đây là nhầm Tổ quốc với chính quyền, với chế độ chính trị. Tổ quốc, Đất nước là chung cho tất cả mọi người (có cùng nguồn gốc), không phân biệt bất kỳ một tiêu chí nào, Tổ quốc là thiêng liêng, không có Tổ quốc đúng hay sai, tốt hay xấu, thích hợp hay không thích hợp. Chính quyền, chế độ lại là chuyện khác. Có chính quyền dân chủ, chính quyền độc tài. Có chính quyền thời gian này là rất tốt, thời gian khác lại xấu xa, thối nát. Cứ xem kỹ lịch sử VN sẽ thấy rõ. Lê Đại Hành là tốt nhưng Lê Ngọa Triều là thối tha. Đời thứ nhất, thứ 2 của Nhà Lý là anh minh nhưng đời thứ 7 thứ 8 là suy đốn, để rồi bị Nhà Trần thay thế. Đời Nhà Trần đã có chiến công hiển hách nhưng rồi trở nên thối nát để mất vào tay Hồ Quý Ly và bị Nhà Minh xâm lược. Lê Lợi là vị anh hùng nhưng cháu chắt của Ngài quá tham lam ngu dốt nên mới bị Nhà Mạc cướp ngôi, rồi đến nỗi một đất nước phải chấp nhận một lúc hai thế lực thống trị là vua Lê, chúa Trịnh. Chế độ là do chính quyền dựng nên. Chính quyền thay đổi, chế độ thay đổi nhưng Tổ quốc không thay đổi (riêng Đất nước có thể mở rộng hoặc thu hẹp). Những người cầm quyền, vì để củng cố địa vị của mình nên đã cố tuyên truyền, cố tình lập lờ, cho là Tổ quốc và chế độ là một, cho là bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ chế độ là một. Đó cũng là một cách lừa bịp khôn khéo, làm cho nhiều người ít hiểu biết bị nhầm.

Câu 3: “Là người tôi sẽ chết cho quê hương”. (Lời trong bài hát Tình nguyên, trước đây đã có lần được bình luận). Đã có vài lần tôi nghe ca sĩ hát “Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương”, tôi đoán là các ca sĩ đó vì ngây ngô, kém suy nghĩ, thấy viết “nếu là chim…, nếu là hoa…, nếu là mây…” thì hát luôn “nếu là người…” mà không hiểu tại sao lại dùng “nếu là…”.

Bài ca Tình nguyện là một bài hay, được nhiều bạn yêu thích, ca ngợi. Tuy vậy câu “Là người tôi sẽ chết cho quê hương” có cái gì đó không ổn, nhầm lẫn. Quê hương cần gì ở bạn, cái chính là cần sức lực, cần trí tuệ chứ mục đích chính không phải là cần cái chết. Trong chiến tranh, trong những lúc quá ngặt nghèo cái chết là khó tránh, là phải chấp nhận, là bị bắt buộc chứ không bao giờ là mục đích, không bao giờ là sự mong muốn. Khi Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai thì mục đích là bịt luồng đạn của địch, chứ không phải là anh ta muốn chết để nổi tiếng. Nếu lúc đó có được bì rơm, củ chuối để nhét vào lỗ châu mai thì cần gì phải lấy thân mình. Nếu nói rằng “Khi cần phải chết tôi xin chết cho quê hương” (chứ không phải chết vì tranh giành quyền lợi, tình cảm) hoặc là “Khi quê hương cần tôi sẵn sàng kể cả cái chết” kiểu như quyết tử, cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh thì đó lại là chuyện khác. Quê hương, Tổ quốc cần đến cái chết của một số người nào đó là vì bị bắt buộc chứ không ai muốn. Đất nước gặp tai họa ngoại xâm, bạn cầm súng ra trận. Điều mong ước lớn nhất của bạn, của gia đình, của nhân dân là bạn lập được nhiều chiến công và toàn vẹn trở về trong chiến thắng. Sẽ là rất hay, rất có ý nghĩa khi viết lời ca đại khái như sau: Là người tôi sẽ quyết lập chiến công, dù có chết cũng không hối tiếc. Nhưng rồi có người sẽ phản bác, cho là viết như thế thô thiển quá, không hay. Có lẽ tôi không có năng khiếu âm nhạc nên chưa thấy hết cái hay của câu “là người tôi sẽ chết cho quê hương” mà chỉ thấy ở đó sự huyênh hoang, sáo rỗng, hoặc giả tôi quá khắt khe để đòi hỏi một sự chính xác không cần thiết. Tôi cứ nghĩ là sống mà đóng góp được nhiều cho quê hương thì vẫn tốt hơn là chết mà không lập được chiến công. Cái đáng quý là lập chiến công chứ không phải cái chết.

Tác giả: GS - TS Nguyễn Đình Cống.

Người LÀM và người CHÊ

Trong công việc có hai loại người: Người LÀM và người CHÊ.

Khi người LÀM làm ra được một điều gì đấy, người CHÊ sẽ xuất hiện, rất đông. Họ chê cái sản phẩm của người LÀM chẳng ra gì. Đương nhiên Người LÀM sẽ không bao giờ đấu khẩu lại được vì người LÀM chỉ biết LÀM chứ không giỏi nói. Do đó, việc của người LÀM lúc này là lắng nghe, phân tích, tiếp thu những gì người CHÊ nói. Nhận ra những điểm mà mình còn yếu kém, khắc phục nó. Những điểm mạnh của mình thì phải giữ lại, phát huy!

Cứ như vậy, sản phẩm thứ hai, thứ ba..thứ n... người làm cứ làm, người chê cứ chê. Lượng đổi thì chất đổi. Đó là một phạm trù triết học. Đến một lúc, người LÀM bắt đầu nhận được một lời KHEN, rồi hai, ba... tỷ lệ nghịch với lời chê. Khi đó, việc người làm cần làm là CÁM ƠN tất cả những người đã chê mình. Bởi không có họ, người LÀM sẽ không bao giờ có ngày hôm nay.

Người CHÊ có quyền chê tất cả những gì mà họ không thích. Đừng bao giờ bĩu môi dè bỉu "Mày đã làm được cái gì chưa mà chê". Hãy luôn Nhớ: Thành công hay sự nổi tiếng chỉ thuộc về những người LÀM. Đó đã là một đặc ân mà người CHÊ suốt đời không bao giờ có được rồi!

Tác giả: Sói Sầu.

Câu chuyện về Chủ nghĩa tư bản

Có câu chuyện thế này:

Có 3 anh A, B, C chàng bi lạc vào hoang đảo, trong tay họ không có gì cả. Mỗi ngày mỗi người phải ra bờ biển tay không băt cá để ăn. Vất vả lắm thì mỗi người bắt được 1 con trên ngày, số lượng cá đó đủ để họ sống trong 1 ngày và tạo sức lao động cho ngày hôm sau. Hôm nào mưa bão thì họ bị đói vì họ không thể bắt cá được và cũng vì họ cũng không có tích lũy sau mỗi ngày lao động.

Một ngày nọ A nảy ra một ý tưởng làm một cai xiên cá bang những mảnh đá nhọn, nhưng để làm cây xiên cá như vậy, A phải nhịn đói hai ngày trời vi trong hai ngày đó A không thể ra biển bắt cá như B và C. A phải lựa chọn: 1 – có thể bị chết đói nếu sau 2 ngày anh không thành công việc làm cây lao xiên cá, 2 – thành công với thành quả la nhưng ngày tiếp theo năng suất của A tăng 2 đến 3 lần.

Kết quả A thành công và sự hình thành của chủ nghĩa tư bản bắt đầu.

Sau khi A kết thúc việc làm cây xiên cá của mình, A bắt được 3-5 con cá trên ngày trong khi đó B và C vẫn chỉ có mỗi con trên ngày và việc này chỉ đủ để nuôi sống họ và họ không có tích lũy tư bản.

Ngược lại A có tích lũy mỗi ngày tu 2 đến 4 con cá. Việc này cho phép A có ngày nghỉ ngơi, thư giãn mà không phải ra biển bắt cá như B và C nữa. A bắt đầu có thời gian nghiên cứu và tìm tòi những giải pháp để nâng cao sức lao động của mình.

Một ngày nọ, mưa bão to trong suốt 2 ngày liên tục. B, C vì vậy không thể ra biển bắt cá như mọi khi, sau 2 ngày họ tìm đến A với tình trạng lả đi vì đói.

B nói: Cho tớ vay một con cá để sống trong ngày mưa bão, tớ sẽ trả cậu khi mưa bão kết thúc
C nói: Tớ cũng muốn vay cá tớ sẽ trả cậu khi mưa bão kết thúc.

Nhưng A nghĩ, B và C nếu không có bão, lao động cật lực cũng chỉ đủ ăn, làm sao có thể trả nợ mình? Lúc mình nhịn đói để làm cây xiên cá, họ có chia sẻ giúp minh đâu. Bản năng ích kỉ vả tư lợi trong A khiến A quyết định không cho B và C vay. Thế nhưng A là một người thông mình và bao giờ cũng hướng tới lợi ích lên hàng đầu (dù lợi ích là lợi ích cho bản thân A) A nghĩ thế này: mình có khá nhieu cá, đủ để nuôi sống mình trong nhiều ngày mà không cần ra biển bắt cá. Có lẽ nhân cơ hội này mình sẽ dành thời gian làm thêm cây xiên cá sau đó cho B và C thuê lại.

A thực hiện như vậy. A làm them 2 cây xiên cá với số đầu tư là 4 con cá cho 4 ngày lao động. Khi công việc kết thúc A tìm đến B và C và nói:

- Tớ sẽ cho 2 cậu mượn 2 cây xiên cá, nhưng mỗi ngày các cậu phải trả cho tớ 3 con cá vì các cậu dung cây xiên cá của tớ.

B, C suy nghĩ, giơ mỗi ngày mình chỉ bắt được 1 con cá, giờ có thêm công cụ lao động, mỗi ngày mình có thể có đến 5 con cá giống A, trả A 3 con có nghĩa là mình vẫn có 2 con cá. B và C đồng ý.

Như vậy, nhờ công cụ sản xuất cua A (hình thành do sự hi sinh, và tính sang tạo, xuất phát từ như cầu bản năng sinh tồn) một xã hội thu nhỏ giữa A, B, C cùng phát triển, có một sự tich lũy về giá trị và vật chất.

Phần 1 của câu chuyện có thế đưa chúng ta đến những kết luận nho nhỏ như sau:

- Sức sáng tạo là cội nguồn của sự phát triển.

- Tư hữu về công cụ sản xuất, vô hình dung lại là động lực thúc đẩy sức sang tạo vì 1) A thấy thành quả sức sang tạo của mình được đền đáp xứng đáng, A có thêm quyết tâm, và đủ của cải vật chất để tiếp tục đi tìm cái mới tiếp tục sức sáng tạo của mình 2) sự tư hữu của A có thể thúc đẩy sự vươn lên của B và C vì B và C thấy được hiệu quả trong sức sang tạo của A. Tuy nhiên trong thực tế không phải B và C nào cũng được như A vì lịch sử chỉ ra rằng không có nhiều nhà tư bản.

- A từ đầu đến cuối đều chỉ nghĩ đến lợi ích bản than, không hề nghĩ đến B và C, tuy nhiên lợi ích bản than A một cách tự nhiên lại giúp xã hội chung phát triên.

- Với việc lấy của B và C 3 con cá trên ngày, A đã lấy cắp sức lao động của B và C. Tuy nhiên A đã nâng cao sức lao động của B và C trước khi đánh cắp nó.

A đúng hay sai, có lẽ chờ phần 2 phân giải.

Tác giả: Hong Viet Nguyen.

(Góc hài hước) Phân tích 2 câu thơ

Đề bài: Hãy phân tích hình tượng Đảng trong 2 câu thơ sau của Tố Hữu:

Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt
Đảng ta đây xương sắt da đồng

Bài làm:

Chỉ 2 câu thơ đủ chứng tỏ được khả năng nghiên cứu và hiểu biết rất rộng, từ Phật giáo đến Kiếm hiệp của nhà thơ. "Trăm tay nghìn mắt" gợi lên hình ảnh Phật quan âm với tấm lòng từ bi bác ái. Còn sắt, không nghi ngờ gì nữa, đó chính là thây sắt Mai Siêu Phong, đồng tức xác đồng Trần Huyền Phong. 2 người này là vợ chồng và đều luyện Cửu Âm chân kinh, môn công phu tối độc và lợi hại nhất trong tất cả các môn mà giới võ thuật đã khám phá ra từ cổ chí kim, từ đông sang tây.

Đảng ta 3 triệu đảng viên gắn bó với nhau khăng khít như vợ chồng. Lại thêm cái đức của Quan Âm, cái uy của Cửu Âm chân kinh. Đức uy gồm đủ, khiến dân chúng vừa biết kính, nhưng cũng vừa biết sợ. Thật là trên hợp lòng trời, khiến Đảng quang vinh muôn năm, dưới thuận lòng người, làm xã tắc vững bền như bàn thạch. Thượng hạ có phép tắc, có phép tắc rồi sẽ biết ơn, tước lộc có hạn có ngữ, có hạn ngữ rồi sẽ biết vinh. Ân uy gồm đủ, trước sau có bậc, đạo trị dân như thế thực rõ ràng. Dẫu cho các thế lực thù địch có mưu mô xảo quyệt, thâm hiểm và lâu dài đến đâu đi nữa, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ XHCN vẫn sẽ suôn sẻ và dễ dàng như Quan Công lấy đầu Hoa Hùng, Nhan Lương, hay Văn Sú vậy.

Thầy giáo xem xong bài văn, khóc to, nói:

- Không phải thầy là thầy em, mà em mới đúng là thầy của thầy, em ạ. Thầy xin lỗi, khi thấy mình đã không còn gì để dạy em nữa.

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Vài suy nghĩ vụn về lịch sử

1/ Trong cuộc chiến của Mỹ ở nam VN, thì Úc, New Zealand, Đại Hàn, Thái Lan và Philippines là đồng minh của Mỹ. Họ theo chân Mỹ đến nam VN vì nghĩa vụ chung của khối tư bản do Mỹ đứng đầu là chống cộng sản. Họ không phải lính đánh thuê như sách lịch sử vẫn nói.

Nếu nói 6 nước đó đánh thuê cho Mỹ, thì cũng không khác gì nói trong chiến tranh thế giới thứ 2, khối đồng minh gồm 26 nước, thì có tới 23 nước đánh thuê cho 3 nước đứng đầu là Liên Xô, Anh, Mỹ vậy.

2/ Việt Nam Cộng hòa không bán nước. Nếu nói VNCH bán nước, thì cũng hệt như nói Hàn Quốc bán nước vậy. Vì mục đích của Mỹ ở nam Triều Tiên và nam VN là như nhau.

Mục đích của Mỹ là có thêm đồng minh cho việc chống cộng sản, cho việc cân bằng lại lực lượng giữa 2 khối tư bản và cộng sản. Vì vậy Mỹ đã tài trợ, can thiệp chính trị, thậm chí dựng nên chính quyền, đem cả quân đội của mình sang đó… v.v… chứ Mỹ không cần các chính quyền có sẵn hoặc do mình tạo dựng đó bán nước cho mình.

Hãy nhìn Nhật bản. Sau đại chiến 2, Nhật bản là nước thua trận, mất sạch thuộc địa, đền bù chiến tranh, lãnh thổ do quân đồng minh chiếm đóng, và phải nuôi quân đồng minh chiếm đóng đó.

Nếu Liên xô chiếm Nhật bản, chưa biết chừng Nhật hoàng đã bị Stalin treo cổ, đất nước Nhật bản đã đi theo con đường XHCN rồi cũng nên.

Nhưng là Mỹ chiếm đóng, và Mỹ đã ra tay dựng lại chính quyền, chuyển giao tiền bạc, công nghệ, chuyên gia… v.v… góp phần không nhỏ khiến Nhật bản theo con đường TBCN và trở nên hùng mạnh như ngày nay.

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Trả lời 1 câu hỏi


Của cậu đây. Có 2 ý lớn mình muốn trả lời.

Thứ nhất, ngay từ khi Marx còn sống, ông ấy đã cổ vũ cho sự đoàn kết vô sản, lật đổ tư bản, xây dựng XHCN rồi. Bằng chứng cho sự cổ vũ và lật đổ là đây, tuyên ngôn Đảng Cộng Sản do chính ông ấy và Engels viết, đoạn chốt trong chương 4:

“Tóm lại, ở tất cả mọi nơi, những người cộng sản đều ủng hộ mọi phong trào cách mạng chống lại trật tự xã hội và chính trị hiện hành.

Trong tất cả phong trào ấy, họ đều đưa vấn đề chế độ sở hữu lên hàng đầu, coi đó là vấn đề cơ bản của phong trào, không kể là nó đã có thể phát triển đến trình độ nào.

Sau hết, những người cộng sản ở mọi nơi đều phấn đấu cho sự đoàn kết và sự liên hợp của các đảng dân chủ ở tất cả các nước.

Những người cộng sản coi là điều đáng khinh bỉ nếu giấu giếm những quan điểm và ý định của mình. Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành. Mặc cho các giai cấp thống trị run sợ trước một cuộc Cách mạng cộng sản chủ nghĩa! Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới.

Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”

Thực tế trả lời là Liên Xô, Đông Âu sụp tan tành, những nước còn sót, muốn sống đều đã phải thay đổi tư duy. Ví như TQ 1976, VN 1986.

Điều đó chứng tỏ cái gì? Chứng tỏ chính Marx cũng không thật sự hiểu XHCN là cái gì, và chính Marx cũng không biết chính xác thời điểm nào nên bắt đầu xây dựng.

Thứ 2, mình biết có ít nhất 3 người chứng minh CNXH của Marx là sai. Đó là Orwell với “Trại súc vật”, Hayek với “Đường về nô lệ”, và Brzezinski với “Thất bại lớn”. 2 cuốn đầu, những tác giả đều rất có tên tuổi, và 2 tác phẩm đó trên mạng đều có cho cậu download. Chỉ cuốn sau cùng thì mình không rõ, tác phẩm cũng chỉ mới có gần đây thôi, và link download của nó đây.


Đặc điểm chung của cả 3 cuốn sách đó là chúng đều ra đời trong thời kỳ CNXH cực thịnh. Và tài tình ở chỗ nó hiểu thấu sự mâu thuẫn của việc xã hội hóa tư liệu sản xuất, và chỉ ra trong tương lai CNXH ấy sẽ sụp đổ.

Thực tế đã chứng minh thế nào, không cần phải nhắc lại nữa nhé.

Cậu có thời gian thì xem cả, không thì chỉ xem bản tóm tắt thôi nhé. Chúc vui.

(Nhặt sạn trong học thuyết Marx Vol 1) Luận 1 chút về sự tiến hóa

Xưa giờ, XH trải qua nhiều PTSX khác nhau, nhưng vẫn có 1 điểm chung duy nhất, là thằng khôn luôn làm chủ. Cái gọi là XHCN (nếu có) ấy, thì cũng vậy thôi.

Các bạn có thấy, những nhà tư bản (thời tư bản), những ông vua (thời phong kiến), những lãnh chúa (chiếm hữu nô lệ) về số lượng người là cực kỳ ít, trong hàng triệu người mới có 1 không? Ấy thế nhưng cái nhúm bé tẹo ấy nó lại là quan trọng nhất, quyết định nhất đến sự phát triển của cả thế giới, mà giáo chủ, cùng nhị vị phó chưởng môn nhân, dù muốn dù không, vẫn phải xếp cái nhúm bé tẹo ấy thành 1 giai cấp, có quyền lợi đối lập với 1 triệu trừ 1 ấy.

Cái gọi là toàn cầu hóa không phải xu hướng rút ngắn sự chênh lệch, mà là mở rộng và tăng cường sự cai trị của nhóm người ưu tú thì đúng hơn. Dân ngu có thể cải thiện trình độ đến đâu đi nữa, thì cái nhóm ưu tú ấy cũng không dậm chân tại chỗ bao giờ, mà vẫn luôn đi trước cả triệu bước. Làm sao sự chênh lệch có thể thu hẹp được, khi mà dân ngu tuyệt đại đa số, còn thiên tài thì 1 phần triệu? Làm sao phá bỏ được quy luật tố chất của nhóm ưu tú là trời sinh, còn số còn lại, thì "nanh chó không thể mọc được ngà voi"?

Giáo chủ cùng nhị vị phó chưởng môn nhân chực bắt chước các thế hệ đi trước, dùng bạo lực làm chủ đạo, mơ về 1 XH mọi người đều bình đẳng, theo kiểu làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, thật là viễn tưởng vậy.

Bản chất của Cải Cách Ruộng Đất

(Trích) Hạng Vũ nói:

- Thực ra Lưu Bang cũng chưa có tội gì. Nếu ta giết e thiên hạ chê cười chăng?

Phạm Tăng nói:

- Muốn mưu tính đại sự, nhiều lúc kẻ có tội vẫn phải khoan hồng, ngược lại, kẻ vô tội vẫn phải trừ bỏ. Tôi sở dĩ khuyên Minh công giết Lưu Bang vì thấy Lưu Bang sau này có thể tranh ngôi bá chủ với Minh công. Nay không trừ đi tất sau hối không kịp. (Hết trích).

Và mình nghĩ, CCRĐ có gì đó rất giống với câu chuyện trên đây.

CCRĐ, theo mình đoán, có 3 mục đích chính. Thứ nhất, lấy đất của địa chủ về cho nông dân, để họ dốc lòng theo, cái này ai cũng biết. Thứ 2, cướp tiền, vàng xây dựng chính quyền, mua sắm vũ khí, lương thực, đạn dược. Thứ 3, diệt sạch mầm mống tư bản, phục vụ cho công cuộc xây dựng XHCN.

Tất nhiên, trong số những kẻ bị giết, số đáng chết không phải là không có. Nhưng cái sự "nhầm lẫn" là quá nhiều, ít nhất 49%, nhiều nhất 82%, nó cho phép mình nghĩ vậy.

Các bạn kích chuột trái vào để xem hình lớn nhé.


(Góc hài hước) Mác Lê chân kinh

Mác Lê chân kinh là 1 môn võ công mà uy lực của nó đã từng làm cho giới võ lâm khiếp đảm, mất ăn mất ngủ để tìm cách chế ngự nó hàng trăm năm trước. Nhưng sau này, những đại cao thủ theo học, do nội lực không đủ, do luyện sai phương pháp… v.v… nên đã không đạt đến cảnh giới của chân kinh. Nên hoặc tẩu hỏa nhập ma, hoặc bị hạ gục bởi đối thủ, hoặc cả 2.

Hiện nay, theo 1 số nguồn tin có xuất xứ trên internet, thì ở Đại Việt đã xuất hiện 1 nhân tài xuất chúng, 1 tố chất đặc biệt, hàng trăm năm có 1. Có thể ví với 1 siêu Saiyan, theo chu kỳ 200 năm xuất hiện 1 lần. Siêu Saiyan ấy sẽ lập được nhiều chiến công hiển hách, làm rạng rỡ dân tộc Saiyan. Nhân tài này, trong 1 phát ngôn cách đây chưa lâu đã khẳng định như đinh đóng cột, rằng chỉ cần luyện 3 bí thuật này trong 30 năm, trung bình 1 bí thuật hết 10 năm, sức mạnh sẽ tăng vọt, đủ cho việc biến hình, trở nên vô địch, sánh ngang với những quái nhân xứ Phù Tang, mà ở đó họ đều nổi tiếng là những quái nhân có trình độ nội công và võ công bao trùm cả địa cầu.

Những diễn biến gần đây cho thấy đã có 1 vài cá nhân theo luyện môn này, nhưng do tố chất không cho phép, đã xảy ra quá trình rối loạn kinh mạch, khí không tụ đan điền, còn hạch chạy tứ tung, có dấu hiệu của tẩu hỏa nhập ma.

Như vậy, thực tế đã trả lời ý thứ nhất, rằng chỉ niềm tin thôi chưa đủ, nếu không có tố chất thì không thể luyện thành là hoàn toàn đúng. Còn ý thứ 2, sau này có đủ nội công cho việc biến hình hay không, thì vẫn còn phải đợi.

Sẽ có người đặt câu hỏi là “Đại Việt hơn 90 triệu dân, biết ai mà đợi?”. Thì xin thưa, đợi nhân tài xuất chúng của Đại Việt đã được giới thiệu ở trên ấy.