Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

XIN CHỚ NHẦM LẪN (bình luận ý tưởng)

Có những ý tưởng, những câu nói, câu hát mới nghe qua thấy rất đúng, rất hay, nhưng càng nghĩ sâu càng thấy vô lý vì đã ẩn dầu một nhầm lẫn nào đó. Xin bình luận vài câu như vậy.

Câu 1: “Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác”. Câu này được nhiều người ca ngợi và trích dẫn. Tôi đoán ý muốn sâu sắc của tác giả là khuyên mọi người “cái gì đã thuộc quá khứ thì nên cho qua, không nên phê phán quá khứ, như thế là khôn ngoan, là công bằng”, tuy vậy cách diễn đạt của tác giả, nếu phân tích kỹ thì có chỗ nhầm. Hãy đặt câu hỏi: theo tác giả thì TƯƠNG LAI khôn hơn, công bằng hơn bạn hay ngu hơn, đểu cáng hơn. Nếu tương lai ngu hơn, đểu hơn thì kể nó ra mà làm gì. Nếu hiện tại đã ngu mà bắn súng lục thì cái đứa bắn bằng đại bác phải ngu hơn. Mà chắc là tác giả cho rằng tương lai thì phải khôn hơn, công bằng hơn. Nếu vậy thì thì hãy suy luận tiếp. Giả thử bạn đang ở thế kỷ 20, bạn bắn vào quá khứ là thế kỷ thứ 19 bằng súng lục, thì thế kỷ 21 (tương lai), vì khôn hơn, giỏi hơn, sẽ bắn vào bạn bằng đại bác. Tiếp tục, vì thế kỷ 21 bắn vào quá khứ bằng đại bác nên thế kỷ thứ 22 sẽ bắn vào 21 bẳng tên lửa, thế kỷ 23 thả bom tấn vào 22, thế kỷ 24 thả bom nguyên tử vào 23… Nói (viết) ra câu trên chắc tác giả không nghĩ tới tương lai rồi cũng trở thành hiện tại và quá khứ, sẽ có tương lai của tương lai, chỉ nói cho qua chuyện. Người nghe vì quá tôn sùng người nói và cũng ngại suy nghĩ nên nhắc lại mà không dám nghi ngờ, không dám phê phán.

Nói ví von có cái hay, nhưng cũng nên ví von cho chặt chẽ.

Câu 2: “Xin đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta mà hãy tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc”. Câu này có một tác dụng động viên rất lớn, có giá trị giáo dục rất cao, đặc biệt là đối với Thanh niên. Tuy vậy suy nghĩ sâu thấy rằng chỉ có đoạn sau là đúng, còn đoạn đầu (hỏi Tổ Quốc đã làm gì) là vô nghĩa. Tổ quốc hay Đất nước là một khái niêm trừu tượng. Đất nước tồn tại trên thực tế, Tổ quốc tồn tại trong lòng mọi người nhưng Tổ quốc không làm gì cả. Không phải Tổ quốc không làm gì cho bạn mà không làm gì cả, không thể làm gì cả, không cần làm gì cả cho tất cả mọi người. Bạn yêu Tổ quốc, bạn xót xa vì Đất nước bị dày xéo, bị lạc hậu, bạn muốn làm một cái gì đó cho Tổ quốc, cho Đất nước là do bạn được giác ngộ bởi một nguồn tinh thần nào đó. Nếu bạn cần hoặc muốn ai đó làm gì cho bạn thì đó là những người thân, người có quan hệ, người đại diện cho tổ chức hoặc chính quền, chứ không phải Đất nước, không phải Tổ quốc. Điều nhầm lẫn ở đây là nhầm Tổ quốc với chính quyền, với chế độ chính trị. Tổ quốc, Đất nước là chung cho tất cả mọi người (có cùng nguồn gốc), không phân biệt bất kỳ một tiêu chí nào, Tổ quốc là thiêng liêng, không có Tổ quốc đúng hay sai, tốt hay xấu, thích hợp hay không thích hợp. Chính quyền, chế độ lại là chuyện khác. Có chính quyền dân chủ, chính quyền độc tài. Có chính quyền thời gian này là rất tốt, thời gian khác lại xấu xa, thối nát. Cứ xem kỹ lịch sử VN sẽ thấy rõ. Lê Đại Hành là tốt nhưng Lê Ngọa Triều là thối tha. Đời thứ nhất, thứ 2 của Nhà Lý là anh minh nhưng đời thứ 7 thứ 8 là suy đốn, để rồi bị Nhà Trần thay thế. Đời Nhà Trần đã có chiến công hiển hách nhưng rồi trở nên thối nát để mất vào tay Hồ Quý Ly và bị Nhà Minh xâm lược. Lê Lợi là vị anh hùng nhưng cháu chắt của Ngài quá tham lam ngu dốt nên mới bị Nhà Mạc cướp ngôi, rồi đến nỗi một đất nước phải chấp nhận một lúc hai thế lực thống trị là vua Lê, chúa Trịnh. Chế độ là do chính quyền dựng nên. Chính quyền thay đổi, chế độ thay đổi nhưng Tổ quốc không thay đổi (riêng Đất nước có thể mở rộng hoặc thu hẹp). Những người cầm quyền, vì để củng cố địa vị của mình nên đã cố tuyên truyền, cố tình lập lờ, cho là Tổ quốc và chế độ là một, cho là bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ chế độ là một. Đó cũng là một cách lừa bịp khôn khéo, làm cho nhiều người ít hiểu biết bị nhầm.

Câu 3: “Là người tôi sẽ chết cho quê hương”. (Lời trong bài hát Tình nguyên, trước đây đã có lần được bình luận). Đã có vài lần tôi nghe ca sĩ hát “Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương”, tôi đoán là các ca sĩ đó vì ngây ngô, kém suy nghĩ, thấy viết “nếu là chim…, nếu là hoa…, nếu là mây…” thì hát luôn “nếu là người…” mà không hiểu tại sao lại dùng “nếu là…”.

Bài ca Tình nguyện là một bài hay, được nhiều bạn yêu thích, ca ngợi. Tuy vậy câu “Là người tôi sẽ chết cho quê hương” có cái gì đó không ổn, nhầm lẫn. Quê hương cần gì ở bạn, cái chính là cần sức lực, cần trí tuệ chứ mục đích chính không phải là cần cái chết. Trong chiến tranh, trong những lúc quá ngặt nghèo cái chết là khó tránh, là phải chấp nhận, là bị bắt buộc chứ không bao giờ là mục đích, không bao giờ là sự mong muốn. Khi Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai thì mục đích là bịt luồng đạn của địch, chứ không phải là anh ta muốn chết để nổi tiếng. Nếu lúc đó có được bì rơm, củ chuối để nhét vào lỗ châu mai thì cần gì phải lấy thân mình. Nếu nói rằng “Khi cần phải chết tôi xin chết cho quê hương” (chứ không phải chết vì tranh giành quyền lợi, tình cảm) hoặc là “Khi quê hương cần tôi sẵn sàng kể cả cái chết” kiểu như quyết tử, cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh thì đó lại là chuyện khác. Quê hương, Tổ quốc cần đến cái chết của một số người nào đó là vì bị bắt buộc chứ không ai muốn. Đất nước gặp tai họa ngoại xâm, bạn cầm súng ra trận. Điều mong ước lớn nhất của bạn, của gia đình, của nhân dân là bạn lập được nhiều chiến công và toàn vẹn trở về trong chiến thắng. Sẽ là rất hay, rất có ý nghĩa khi viết lời ca đại khái như sau: Là người tôi sẽ quyết lập chiến công, dù có chết cũng không hối tiếc. Nhưng rồi có người sẽ phản bác, cho là viết như thế thô thiển quá, không hay. Có lẽ tôi không có năng khiếu âm nhạc nên chưa thấy hết cái hay của câu “là người tôi sẽ chết cho quê hương” mà chỉ thấy ở đó sự huyênh hoang, sáo rỗng, hoặc giả tôi quá khắt khe để đòi hỏi một sự chính xác không cần thiết. Tôi cứ nghĩ là sống mà đóng góp được nhiều cho quê hương thì vẫn tốt hơn là chết mà không lập được chiến công. Cái đáng quý là lập chiến công chứ không phải cái chết.

Tác giả: GS - TS Nguyễn Đình Cống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét